2 trận giao hữu gặp đội Các ngôi sao Việt Nam tại Đà Nẵng và Công An Hà Nội tại Hà Nội là 1 phần trong chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao đánh dấu kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia Việt Nam - Brazil. Vì thế, đây là dịp để người Việt Nam quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới. Chúng ta đã làm được điều đó, thông qua những trận đấu hấp dẫn, và thông qua chính những chiếc áo mà các danh thủ mặc trên sân.

Hình ảnh các huyền thoại bóng đá Brazil mặc chiếc áo được sản xuất Made in Vietnam thực sự là một điều đáng tự hào

Ngay trong hoạt động đầu tiên tại Lễ hội bóng đá Brazil – Việt Nam trên sân Hòa Xuân, Đà Nẵng, các ngôi sao Brazil một thời đã sử dụng các trang phục đến từ một thương hiệu Việt Nam để thi đấu và di chuyển. Các danh thủ đẳng cấp thế giới tỏ ra hài lòng với những set trang phục được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam.

Ở trận đấu trên sân Hòa Xuân, Rivaldo và đồng đội diện bộ trang phục màu vàng/xanh lá, những gam màu vốn đã hằn sâu vào trái tim của hàng thế hệ những người yêu mến Seleccao tại Việt Nam. Rồi khi giao hữu với CAHN tại Hàng Đãy, đội lại chuyển sang một sắc vàng đồng trầm hơn. Những bộ trang phục ấy đều được đội ngũ thiết kế của Kamito tỉ mỉ trong từng họa tiết để nêu bật được bản sắc văn hóa của cả 2 quốc gia, giúp các cầu thủ vẫn có thể mang trong mình niềm tự hào của màu cờ sắc áo dù không trực tiếp thi đấu dưới danh nghĩa ĐTQG.

Chưa hết, trước khi đoàn về nước, HLV Dunga còn dẫn các cựu danh thủ ghé qua Kamito Store để mua sắm trang phục thể thao làm quà kỷ niệm mang về Brazil. Có thể nói, với những ngôi sao đẳng cấp thế giới, trong tủ đồ của họ không thiếu đồ được các hãng quốc tế tài trợ. Nhưng việc khiến những Rivaldo hay Roberto Carlos phải chi tiền ngay tại Việt Nam, mua những sản phẩm Made in Việt Nam là một dấu hiệu chuyển mình tích cực của nước nhà.

Những năm gần đây, khi xu hướng "xanh hóa" nền kinh tế phủ sóng toàn cầu, những ngành công nghiệp nhẹ như may mặc đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, bên cạnh những ngành không khói như du lịch hay nông nghiệp truyền thống. Việt Nam trước nay cũng chỉ được biết đến là xưởng gia công cho các thương hiệu thời trang lớn. Việc tạo ra một, hoặc nhiều, brand được các ngôi sao quốc tế yêu thích là tín hiệu vô cùng tích cực. Nếu như trước kia, du khách đến Việt Nam chỉ biết đến phở, nem lụi, những bãi biển hoang sơ hay những dãy núi trùng điệp, thì nay họ có thể mang về quê nhà những bộ đồ Made in Việt Nam.

Và trong xu hướng chuyển dịch của nền kinh tế ấy, bên cạnh những bộ trang phục truyền thống được du khách xuýt xoa mỗi khi đến Hội An, thì những bộ quần áo đời thường, "casual" hơn cũng đang dần trở thành điểm nhấn. Tham vọng chỉ có thể trở thành hiện thực với những người dám mơ mộng. Người Mỹ đã thành công với Nike, nhắc đến Đức là phải nói tới adidas, hay Trung Quốc cũng tự hào về Li-Ning. Vậy tại sao chúng ta lại không thể tự tạo cho mình một thương hiệu Việt Nam vươn tầm quốc tế?